Ngày 3/12 vừa qua Trung Quốc đã trở thành nước thứ 2 trên thế giới cắm được quốc kỳ trên Mặt trăng, hơn 50 năm sau khi Mỹ lần đầu tiên thực hiện kỳ tích này.
Các bức ảnh từ Cơ quan vũ trụ quốc gia Trung Quốc cho thấy, quốc kỳ nước này vẫn đứng yên trên bề mặt lặng gió của Mặt trăng. Một máy ảnh chuyên dụng cho thiên văn học được gắn trên tàu thăm dò vũ trụ Thường Nga 5 đã chụp những bức hình này trước khi rời khỏi Mặt trăng hôm 3/12, mang theo các mẫu đất đá trở về Trái đất nghiên cứu.
Trong hai sứ mệnh thăm dò Mặt trăng trước đây, Trung Quốc chỉ cho in quốc kỳ lên lớp sơn phủ bên ngoài tàu vũ trụ nên đây là lần đầu tiên nước này thực sự cắm cờ trên vệ tinh của Trái đất.
Sứ mệnh Thường Nga 5 là lần hạ cánh thành công thứ 3 của Trung Quốc trên Mặt trăng trong vòng 7 năm qua. Tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời trưởng dự án Li Yunfeng tiết lộ, lá quốc kỳ được sử dụng trong sứ mệnh làm bằng vải, cao 90cm, rộng 20m và nặng khoảng 1kg. Nhóm đã gia cố thêm nhiều đặc tính nhằm giúp lá cờ chống chịu trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, cực lạnh trên Mặt trăng.
Trong quá khứ, Mỹ cắm lá quốc kỳ đầu tiên trên Mặt trăng trong sứ mệnh thăm dò có con người tham gia Apollo 11 năm 1969. Thêm 5 lá quốc kỳ của Mỹ được cắm trên bề mặt hành tinh này trong các sứ mệnh tiếp theo tới tận năm 1972.
Năm 2012, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) trích dẫn các hình ảnh vệ tinh cho thấy 5 lá cờ nói trên dường như vẫn đứng yên ở vị trí ban đầu. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn báo chí, các chuyên gia cho rằng đó nhiều khả năng đây chỉ là những hình ảnh bị ánh sáng phát tỏa từ Mặt trời tẩy trắng.
Tuy nhiên, việc Mỹ lần đầu tiên cắm cờ lên bề mặt Mặt trăng đã trở thành trung tâm gây tranh cãi khi người ta đưa ra một vài thuyết âm mưu. Một thuyết âm mưu hàng đầu được đưa ra cho rằng chuyện lá cờ tung bay trên Mặt trăng không thể nào xảy ra, vì vốn dĩ môi trường trên Mặt trăng không có không khí.
Trong nhiều thập niên, NASA đã nỗ lực giải quyết các cáo buộc lừa bịp bằng cách đưa ra nhiều lời giải thích tại sao lá cờ lại chuyển động khi được cắm trên bề mặt Mặt trăng.
Từ các nguồn tin tức thiên văn, NASA giải thích rằng sở dĩ lá cờ được nhìn thấy chuyển động như vậy là do các phi hành gia cố cắm cây cờ sâu xuống bề mặt Mặt trăng, làm cho cây cờ rung rinh và không đứng yên. Trong khi đó, lá cờ có hình gợn sóng, nhìn giống một lá cờ đang tung bay là do các nếp gấp trong quá trình cất giữ cờ khi đem lên Mặt trăng.
Giải thích về nguyên do này, Phi hành gia Mỹ Buzz Aldrin kể: lá cờ đầu tiên được cắm trên Mặt trăng ở vị trí quá gần tàu vũ trụ Apollo nên nó có khả năng bị thổi bay mất khi tàu cất cánh trở về Trái đất.