Bệ máy thu tín hiệu đã rơi vào đĩa phản xạ, kết thúc vòng đời của chiếc kính viễn vọng lớn thứ 2 thế giới – Đài quan sát Arecibo.
Đài thiên văn Arecibo là một kính viễn vọng vô tuyến đặt tại đô thị tự quản Arecibo, Puerto Rico (1 quốc đảo nhỏ thuộc kiểm soát của Hoa Kỳ). Được xây dựng vào những năm 1960, cho đến năm 2011, đài thiên văn được quản lý bởi Trường Đại học Cornell.. Đài thiên văn này được điều hành bởi SRI International, USRA và UMET, theo thỏa thuận hợp tác với Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NSF). Đài thiên văn này cũng được gọi là Trung tâm quốc gia Thiên văn học và Ionosphere.
Mục lục bài viết
Cái kết buồn cho một biểu tượng của thiên văn học
7h55 sáng 1/12 (giờ địa phương), Đài quan sát Arecibo nổi tiếng thế giới đã sụp đổ. Thông tin này được xác nhận bởi Tổ chức Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF), cơ quan giám sát kính thiên văn. Vào một thời điểm nào đó trong đêm, bệ đỡ máy thu tín hiệu của Arecibo đã rơi xuống, đâm vào đĩa phản xạ rộng 300 mét bên dưới, phá hủy toàn bộ cấu trúc cốt lõi của chiếc kính viễn vọng này.
“Nó đã bị rơi bất ngờ”, người phát ngôn của NSF nói. Tổ chức không cho biết điều gì đã gây ra sự sụp đổ, tuy nhiên không có ai tại hiện trường bị thương.
“NSF rất buồn vì sự việc này. Chúng tôi sẽ tìm cách hỗ trợ cộng đồng khoa học và duy trì mối quan hệ bền chặt với người dân Puerto Rico”, cơ quan này cho biết trên Twitter.
Trên Internet, nhiều nhà khoa học và người dân Puerto Rico đã đến khu vực của Arecibo để nói lời chia tay sau sự cố sập kính viễn vọng.
Lịch sử thăng trầm của Đài quan sát Arecibo
Năm 1967, Arecibo đã có “thành tích” đầu tiên khi phát hiện rằng Thủy tinh mất 59 ngày để quay một vòng, không phải 88 ngày như các nghiên cứu trước.
Các nhà khoa học còn sử dụng Arecibo để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống ngoài Trái Đất. Năm 1974, đài thiên văn đã phát ra dòng tần số sóng mạnh nhất mà Trái Đất từng gửi vào vũ trụ để tìm kiếm sự sống trên các hành tinh khác.
Năm 2016, Arecibo lần đầu phát hiện những vụ nổ vô tuyến nhanh được lặp lại – tín hiệu không gian bí ẩn được cho là phát từ những ngôi sao đã chết. Gần đây, đài quan sát còn theo dõi tín hiệu được gửi từ các ngôi sao xung quanh thiên hà.
“Độ nhạy tại Đài quan sát Arecibo cao hơn bất kỳ thiết bị nào khác và cũng linh hoạt hơn chúng rất nhiều. Nó còn có thể quan sát được từ tầng bình lưu đến những vùng xa của vũ trụ”, Joanna Rankin, nhà thiên văn học tại Đại học Vermont cho biết.
Những sự cố liên tiếp vào tháng 8 và tháng 11 khiến kính viễn vọng Arecibo bị buộc dừng hoạt động sau 57 năm. Vào ngày 6/11/2020, Đài quan sát Arecibo ở Puerto Rico đã phải hứng chịu sự thiệt hại thứ hai trong năm nay. Một dây cáp chính đã bị đứt và đâm vào đĩa phản xạ, gây hư hỏng thêm một vài tấm đĩa cũng như các sợi dây cáp khác.
Đài quan sát Arecibo biểu tượng của ngành khoa học thiên văn
Sự sụp đổ của hệ thống máy thu tín hiệu của kính viễn vọng là dấu chấm hết cho Arecibo. Sau hai lần đứt cáp trong mùa hè, vào ngày 19/11 vừa qua, NSF cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc ngừng hoạt động và hạ đài quan sát do nguy cơ hỏng hóc về cấu trúc. Trước đó các kỹ sư cảnh báo rằng kính thiên văn có nguy cơ hỏng hóc nghiêm trọng và dây cáp của nó có thể không còn khả năng mang tải trọng theo thiết kế. Tuy nhiên, khi công việc tháo dỡ chưa được triển khai, các dây cáp đã đứt và khiến hệ thống thu phát rơi xuống.
Theo kế hoạch phá dỡ Arecibo, NSF cho biết họ sẽ cố gắng giữ lại càng nhiều cấu trúc và cơ sở vật chất xung quanh càng tốt để có thể duy trì địa điểm này như một nơi giáo dục và học tập trong tương lai. Nhưng với sự cố hôm qua, không rõ những kế hoạch này sẽ bị ảnh hưởng ra sao.
Ý nghĩa văn hóa to lớn trong suốt thời gian tồn tại của Arecibo
Không chỉ là công cụ thiên văn mạnh mẽ, Đài quan sát Arecibo còn có ý nghĩa văn hóa to lớn với người dân Puerto Rico, là nguồn cảm hứng cho niềm đam mê khoa học công nghệ của nhiều người.
Năm 2008 và 2016, việc thiếu nguồn tài chính đã cản trở hoạt động của kính viễn vọng. Sau nhiều năm chịu thiệt hại do thiên tai và sức ép tài chính, nhiều câu hỏi được đặt ra về tương lai của Arecibo.
Gần 60.000 người đã kiến nghị các cơ quan tìm cách ổn định cấu trúc giúp kính viễn vọng tiếp tục hoạt động thay vì phá bỏ. Thornton Tomasetti, kỹ sư thuộc công ty đánh giá cấu trúc kính thiên văn cho rằng nếu có sửa chữa, khả năng một sợi cáp khác bị hỏng vẫn rất cao.
Trong suốt gần sáu thập kỷ qua, đài thiên văn Arecibo đã được ví như một ngọn hải đăng của tri thức nhân loại, hỗ trợ các nhà thiên văn học tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất và nâng cao hiểu biết của chúng ta về vũ trụ. Với sự xuất hiện trong các bộ phim như GoldenEye, cơ sở khoa học này cũng đã tiến sâu vào trí tưởng tượng của nhiều người. Ít nhất, mọi người đều biết Arecibo trông như thế nào, ngay cả khi họ chưa từng đến Puerto Rico.