Người yêu thiên văn tại Việt Nam sẽ được chứng kiến 2 trận mưa sao băng trong tháng 12. Trong đó, trận mưa sao băng Geminids lớn nhất và đẹp nhất trong năm sẽ diễn ra vào ngày 13 – 14.12, với tần suất 120 vệt/giờ.
Geminids – trận mưa sao băng lớn nhất năm 2020
Geminids là trận mưa sao băng được chờ đợi nhất năm bởi độ rực rỡ cũng như tần suất sao băng, thường xuất hiện từ ngày 4 đến 17-12 hằng năm. Nó được quan sát đầu tiên vào năm 1862, nhưng với tần suất chỉ vài chục vệt, thấp hơn hiện nay khá nhiều.
Năm nay, theo các nguồn tin tức thiên văn dự kiến cực điểm của trận mưa sao băng này là 18g ngày 14-12 giờ quốc tế, tức 1g sáng 15-12 giờ VN (theo dự báo của Tổ chức sao băng quốc tế – IMO). Tại Việt Nam, thời điểm quan sát tốt nhất mưa sao băng Geminids là đêm 14 – rạng sáng 15-12 (giờ VN).
Những người yêu thích thiên văn có thể bắt đầu quan sát trận mưa sao này từ khoảng 22g ngày 14-12 cho tới rạng sáng 15-12 mà không lo bị ánh trăng gây ảnh hưởng.
Thời điểm quan sát mưa sao băng Geminids tốt nhất
Theo trang Date and Time, từ Việt Nam, bạn có thể quan sát giai đoạn đỉnh điểm của mưa sao băng từ khoảng 20 giờ thứ sáu 14-12 đến tận 6 giờ thứ bảy 15-12. Mưa sao băng sẽ trông như phun ra từ chòm sao Song Tử, có tên quốc tế là Gemini và cũng là gốc của tên cơn mưa sao băng – Geminid.
Trung tâm cơn mưa sao băng sẽ đánh một hình vòng cung trên bầu trời, nằm ở hướng Đông Đông Bắc vào đầu buổi tối, di chuyển dần lên phương Bắc, đến điểm chính Bắc vào 2 giờ rạng sáng 15-12 để rồi di chuyển tiếp sang hướng Tây Tây Bắc khi trời dần về sáng.
Bạn vẫn có thể quan sát mưa sao băng ngay từ đêm nay vì đã khá cận ngày cao điểm nên mật độ sao băng đã tương đối dày.
Để có thể quan sát rõ sao băng, bạn cần chọn một chỗ rộng và thoáng, tắt hết các loại đèn, thiết bị điện tử để mắt làm quen với bóng tối ít nhất 15-20 phút. Sau đó, bạn chỉ cần ngước nhìn lên bầu trời, định vị chòm Song Tử có hình dáng như hai anh em.
Hoặc bạn có thể quan sát mưa sao băng bằng các kính thiên văn chuyên dụng, xem các sản phẩm kính thiên văn tại đây.
Lưu ý mưa sao băng không phải là sao băng “nhiều như mưa”, do đó sẽ có lúc bạn thấy rất nhiều sao băng, nhưng cũng có một lúc lâu bạn không nhìn thấy sao băng nào.
Trước đó, vào cuối tháng 11, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã báo cáo toàn cảnh về tiểu hành tinh 3200 Phaethon, thủ phạm tung mưa sao băng Geminid xuống trái đất. Theo họ, đây là một vật thể không gian cực kỳ lập dị, có màu xanh huyền hoặc và quỹ đạo phức tạp.
Quỹ đạo của 3200 Patheon có một đoạn rất gần mặt trời và có thể chính mặt trời đã đốt cháy, tạo ra chiếc đuôi đá bụi dù nó không phải sao chổi. Trái đất chúng ta may mắn đi qua vùng đá bụi đó vào tháng 12 hằng năm. Vì vậy, người trái đất có cơ hội thưởng thức cơn mưa sao băng tuyệt mỹ này.
Các sự kiện thiên văn khác sắp diễn ra trong tháng 12/2020
Cũng trong ngày 14.12 còn một sự kiện thiên văn khác là nhật thực toàn phần. Tuy nhiên, ở Việt Nam không quan sát được hiện tượng này. Nhật thực toàn phần sẽ chỉ thấy được từ vùng phía nam Chile và miền nam Argentina. Pha nhật thực một phần sẽ được nhìn thấy ở hầu hết các vùng phía nam Nam Mỹ, đông nam Thái Bình Dương và nam Đại Tây Dương.
Sau trận mưa sao băng Geminids, ngày 21 – 22.12, những người yêu thiên văn lại tiếp tục được ngắm mưa sao băng Ursids. Đây là trận mưa sao băng cỡ nhỏ, với khoảng 5 – 10 sao băng mỗi giờ. Trận mưa sao băng này được hình thành từ các hạt bụi còn sót lại của sao chổi Tuttle, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1790. Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm 21, rạng sáng 22.12. Trăng bán nguyệt đầu tháng sẽ lặn ngay sau nửa đêm, để lại một bầu trời tối thuận lợi cho việc quan sát mưa sao băng.
Ngoài ra, ngày 21.12 còn diễn ra hiện tượng “đại giao hội” hiếm gặp giữa 2 hành tinh Sao Mộc và Sao Thổ. Hai hành tinh sáng chói sẽ chỉ cách nhau 7 phút cùng trên bầu trời đêm và gần nhau đến mức tạo nên một “hành tinh đôi” sáng chói.
Người yêu thiên văn có thể nhìn về phía tây ngay sau khi mặt trời lặn để quan sát lần giao hội hành tinh ấn tượng và hiếm có này. Lần đại giao hội gần đây nhất xảy ra vào năm 2000.